Không ưu tiên đầu tư nghiên cứu chỉ để có bài báo quốc tế

14/05/2024

Trước định hướng phát triển nền khoa học trên cơ sở xây dựng các nhóm nghiên cứu xuất sắc/mạnh, nhiều nhà khoa học cho rằng cần phải hiểu đúng tinh thần của khái niệm này. Ngoài ra, cần đầu tư nghiên cứu khoa học tập trung vào phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh.
 

Hôm qua 13.5 tại Hà Nội, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia Nafosted và Tạp chí Tia sáng (Bộ KH-CN) đã tổ chức tọa đàm "Xây dựng các nhóm nghiên cứu xuất sắc".
 

Ông Trần Hồng Thái, Thứ trưởng Bộ KH-CN, cho rằng đầu tư, tài trợ của Nhà nước cho nghiên cứu khoa học theo hướng tập trung phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh.
 

Ưu tiên các đề tài có tính dài hơi

 

Tọa đàm là diễn đàn trao đổi giữa các nhà khoa học và nhà quản lý về vấn đề xây dựng các nhóm nghiên cứu xuất sắc, các tiêu chí đánh giá, các chính sách tài trợ cũng như các đề xuất chính sách. Ban tổ chức kỳ vọng ý kiến của các diễn giả và cử tọa tại tọa đàm là những thông tin quan trọng để các nhà quản lý, doanh nghiệp hiểu được giá trị của các nhóm nghiên cứu mạnh với một nền khoa học, một quốc gia, và là gợi ý điều chỉnh các chính sách khoa học trong tương lai.

Tại hội thảo, ông Trần Hồng Thái, Thứ trưởng Bộ KH-CN, đã chia sẻ quan điểm của bộ này về định hướng đầu tư, tài trợ của Nhà nước cho nghiên cứu khoa học theo hướng tập trung phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, không đầu tư nghiên cứu chỉ để có bài báo quốc tế. Sự tăng trưởng về công trình công bố trên tạp chí quốc tế uy tín (sau đây gọi là bài báo quốc tế) trong thời gian qua là hệ quả của chính sách đầu tư cho nghiên cứu khoa học của Nhà nước. Chính sách đầu tư đó giúp các nhà khoa học yên tâm, dù làm việc trong nước nhưng không bị tụt hậu (vẫn có công bố quốc tế) so với các đồng nghiệp ở nước ngoài.

 

Định hướng đầu tư cho nghiên cứu khoa học của Nhà nước trong thời gian tới sẽ dành ưu tiên cho các nhà khoa học trẻ, các đề tài có tính dài hơi.


Tuy nhiên, thời gian qua, chúng ta mới chỉ tập trung vào việc giúp các nhà khoa học VN thể hiện mình đang hiện diện trên thế giới (thông qua việc xuất bản các bài báo quốc tế). Trong khi đó, muốn xây dựng được một nền khoa học - công nghệ thì cần phải phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh.

"Nếu coi nền khoa học - công nghệ của quốc gia như một cơ thể thì các nhóm nghiên cứu mạnh như tế bào. Muốn có một cơ thể khỏe khoắn, phát triển thì từng tế bào phải lành mạnh, trong sáng, khỏe mạnh", ông Trần Hồng Thái nói.

Trên quan điểm đó, định hướng đầu tư, tài trợ cho nghiên cứu khoa học của Nhà nước thời gian tới sẽ có những ưu tiên phù hợp. Trước hết, việc đầu tư, tài trợ sẽ không ưu tiên cho các hoạt động nghiên cứu có tính dàn trải, không ưu tiên cho những công trình nghiên cứu chỉ có mục tiêu là có bài báo quốc tế. Việc đầu tư, tài trợ cho nghiên cứu khoa học sẽ dành sự ưu tiên cho các nhà khoa học trẻ, cho các đề tài có tính dài hơi (5 năm/đề tài).

 

Kinh phí cho khoa học - công nghệ quá ít.

 

Tại tọa đàm, GS Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học VN, bày tỏ sự lo ngại về việc duy trì được một đội ngũ nhà khoa học có khả năng nghiên cứu trước khi chúng ta có thể có những nhóm nhà nghiên cứu mạnh. Do các viện nghiên cứu không có nguồn thu như các trường ĐH nên thu nhập của các cán bộ nghiên cứu chủ yếu dựa vào lương nhà nước (với khoản rất thấp, không đủ sống). Trong khi đó, đề tài được nhận tài trợ nghiên cứu của Quỹ Nafosted hiện nay rất ít (chỉ bằng nửa so với trước), khiến việc thu hút cán bộ trẻ tham gia nghiên cứu là rất khó khăn, cho dù ngay tại Viện Toán học VN đang có những hướng nghiên cứu rất mạnh, ngang tầm quốc tế. Vì thế, việc làm đầu tiên mà Nhà nước cần ưu tiên là tăng kinh phí cho khoa học để có thể duy trì được đội ngũ các nhà nghiên cứu trước khi phát triển các nhóm mạnh.
 


Theo GS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa, vướng mắc tại thời điểm này là kinh phí dành cho khoa học - công nghệ quá ít.


Mặt khác, muốn phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, phải có một chương trình quốc gia riêng cho việc này. Không thể giao cho Quỹ Nafosted mà không tăng kinh phí do mức kinh phí dành cho quỹ hiện nay còn không đủ để duy trì sự phát triển lành mạnh nền khoa học quốc gia. Giờ quỹ lại phải gánh thêm vai trò phát triển các nhóm nghiên cứu xuất sắc nữa thì còn đâu kinh phí để tài trợ các nhóm nghiên cứu khác và cho các nhà nghiên cứu trẻ. Một vấn đề quan trọng nữa là phải có cơ chế tài chính đặc thù để có thể hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu thiết thực. Với cơ chế hiện nay thì có kinh phí nhiều cũng không chi được.
 

Nguồn: BÁO THANH NIÊN

Cập nhật tin tức mới nhất cùng VIỆN PHÁT TRIỂN DỮ LIỆU VÀ CÔNG NGHỆ SỐ VIỆT NAM  - VIDT

Các bài khác
TRUNG TÂM THAM VẤN CHUYỂN ĐỔI SỐ DOANH NGHIỆP
VIỆN PHÁT TRIỂN DỮ LIỆU VÀ CÔNG NGHỆ SỐ IDT